Không ồn ào, những nhóm thanh niên, trung niên thành thị chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển hằng ngày kết hợp luyện tập thể thao.
Cuối tuần, họ cùng nhau rong ruổi trên những cung đường 50-100km như một thú tiêu khiển.
Các cuarơ CLB Gấu vàng trên đại lộ Võ Văn Kiệt lúc 6g sáng - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Nhiều năm nay Hồ Việt Thắng (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) đi làm bằng xe đạp trên quãng đường 10km mỗi ngày từ nhà đến cơ quan. Chỉ khi phải di chuyển nhiều, chở hàng hóa hay gấp gáp anh mới đi chiếc Future. Cuối tuần, anh và nhóm bạn đạp xe ra ngoại thành uống cà phê hoặc đi Bình Dương, Long An...
Xe đạp lên đời
Nhóm của Thắng vừa mới có thêm Quang Huy (Bà Quẹo, Q.Tân Bình). Chỉ vào chiếc Giant màu trắng 7 triệu đồng đã được gắn thêm ít đồ nghề chuyên dụng, Huy nói: “Từ ngày đạp xe thấy khỏe hơn, thời gian di chuyển cũng không lâu hơn đi xe gắn máy và thích nhất là cuối tuần đạp từ nhà sang Phú Mỹ Hưng uống cà phê, rong ruổi các con đường bên đó”. Nhóm của Thắng có mấy cuarơ nữ mà theo lời anh, nhiều cuarơ nam mới gia nhập không đủ sự dẻo dai đạp theo các cô trong những hành trình vài chục kilômet dọc theo đường Nguyễn Văn Linh (Q.7).
Anh Long, chủ tiệm Thăng Long (Q.Phú Nhuận), có hơn 20 năm lắp ráp xe đạp chuyên dụng, cho biết những người như Thắng, Huy... mới tham gia phong trào chơi xe đạp thể thao bùng lên chừng năm năm trở lại đây, trong đó đa số là dân làm việc văn phòng muốn di chuyển một cách thể thao và thể hiện sự khác biệt theo kiểu “trong lúc ai cũng đi xe gắn máy thì tôi đi xe đạp”.
Xe đạp của giới này chủ yếu là xe “Liên Hiệp Quốc” lắp ráp từ các linh kiện nhập khẩu và xe nguyên chiếc đã qua sử dụng như Giant, Trek, Bull, Focus... Chỗ anh Long có hai thợ hầu như làm luôn tay vì khách liên tục đặt hàng lắp ráp xe mới, có cả khách ở tỉnh.
Xe đua chuyên nghiệp rất nhẹ, chỉ khoảng 10kg - Ảnh: H.T.V. |
Vượt lên chính mình
Sáng sớm ngày cuối tháng 6-2012, chúng tôi tìm đến quán cà phê chị Tư, điểm tập kết của các cuarơ trên đường Sông Đà (Q.Tân Bình), đã thấy ai cũng nai nịt gọn gàng như cuarơ chuyên nghiệp. Có người vừa chạy kết thúc mấy vòng đường Nguyễn Văn Linh, có người đạp từ Tân Bình lên thị trấn Củ Chi rồi vòng về, có người từ Q.2 đạp sang. Nhấp ngụm cà phê, ông Nguyễn Việt Hùng (“Hùng bia”), trưởng nhóm Sài Gòn Velo (diễn đàn xedap.org) có chừng 20 năm chơi xe đạp, cho biết nơi đây là một trong những địa điểm tụ tập của các thành viên câu lạc bộ.
Chỉ sang người đàn ông ngoài 40 tuổi ngồi bên cạnh, “Hùng bia” giới thiệu đây là “Minh đen”, tức Hoàng Văn Minh, đội trưởng CLB Gấu vàng có khoảng 20 thành viên chuyên chạy khu vực đại lộ Võ Văn Kiệt. Đưa cho chúng tôi xem cặp vỏ xe đạp mỏng manh đang cầm trên tay, “Minh đen” cho biết nó chịu được áp lực đến 10kg (trong khi lốp ôtô chỉ hơn 3kg) và giá không mềm: hơn 4 triệu đồng/cặp. “Mỗi sáng ai đạp xe về đích đầu tiên, tuy không có giải nhưng trong lòng sướng lắm. Chỉ cần thua một ai đó trong nhóm là về nhà cứ tức anh ách, lần sau dứt khoát phải qua mặt” - anh nói.
Hôm gặp chúng tôi ở cửa hàng Lê Hoàng probike (Q.10), anh Nguyễn Phi Sơn (Q.2) mới đạp xe được vài tháng cho biết thông thường cứ 5g sáng anh đạp xe lên cầu Phú Mỹ chờ nhóm của mình gồm hơn 10 thành viên để bắt đầu hành trình thường nhật: mỗi ngày chạy năm cây cầu gồm cầu Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Thủ Thiêm, cầu Cá Trê Lớn, Cá Trê Nhỏ và kết thúc ở cầu Sài Gòn. Sau hành trình mạnh ai nấy về, người nào việc đó. Sơn nói: “Mình thanh niên mới vào chơi tưởng vậy mà không khỏe và dẻo dai bằng mấy cụ trong nhóm đâu”.
Kiểm tra xe sau mỗi chặng đua - Ảnh: H.T.V. |
Để thuyết phục thêm, ông Nguyễn Văn Mỹ (Q.Tân Bình) trong giới đạp xe hay gọi nickname Giao Chỉ ngồi gần đó nói với sang: “Nhiều người cứ nghĩ đạp xe phải có sức, nhưng chiếc xe đạp hiện nay với kết cấu khung sườn, bánh bằng vật liệu nhẹ đã có thể kết hợp tạo ra nhiều “số”, thậm chí đạp lên cầu Phú Mỹ vẫn tìm ra “số” giúp đưa xe lên nhẹ nhàng như đi bộ”.
Thỉnh thoảng dân đạp xe rủ nhau thực hiện những chuyến dài vài trăm kilômet đến tận Đà Lạt, Nha Trang, thậm chí xuyên Việt. Các chuyến đi được các thành viên của nhiều diễn đàn gia nhập ở một đoạn đường nào đó. Chia tay nhau, họ chia sẻ thông tin nhà nghỉ nào an toàn, quán ăn nào ngon rẻ... Có cả những nhóm đạp xe Việt kiều hẹn nhau về Việt Nam cùng đạp xe đi Phan Thiết, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng...
“Hùng bia” bảo môn thể thao này rất dễ có bạn nhưng cũng dễ mất bạn: có người vừa được nhóm mới rủ rê đã bỏ nhóm cũ. Nhưng dân đạp xe rất gắn bó với nhau. Nhiều người không quên câu chuyện của các thành viên trên diễn đàn kêu gọi anh em trong cả nước lẫn ngoài nước góp tiền, tư vấn cách chữa bệnh hỗ trợ thành viên có gia cảnh ngặt nghèo vượt qua tai ương.
Không ít người tìm đến xe đạp để duy trì sức khỏe, giải quyết các căn bệnh thời đại như tiểu đường, huyết áp, khớp... Hoặc xa hơn là để bảo vệ môi trường, như mô tả của các thành viên trên các diễn đàn. “Minh đen” kể có ông bạn tên Thọ là giám đốc một doanh nghiệp bị bệnh khớp do gút rất nặng, chỉ đi bộ chừng 100m đã phải ngồi nghỉ. Nghe bạn bè rủ đạp xe, ông đạp được hai tháng liên tục thì cải thiện sức khỏe rõ rệt, đi lại thoải mái.
Hùng, nguyên kế toán trưởng, cho biết từng phải nhậu nhẹt mỗi tuần 3-5 ngày. Mặc quần jean size 34, vậy mà trong vòng một năm đạp xe mỗi ngày chừng 20-30km anh xuống luôn 2-3 size quần, người trở nên thon gọn.
Xả hơi sau một buổi tập sáng - Ảnh: H.T.V. |
Dịch vụ cho xe đắt tiền
“Hùng bia” kể có lần xe anh bị một chiếc ôtô Vios đụng cong niền và tài xế đồng ý đền vì “cái niền cong thì đền cái khác”. Nhưng ông này không ngờ tìm khắp các khu bán phụ tùng xe đạp vẫn không ra cái niền trên vì đó là hàng hiệu Marvic giá hơn 60 triệu đồng! Cho dù xe chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp thì người chơi phải có tiền vì mỗi chiếc ít nhất cũng từ 10 đến hơn 20 triệu đồng. Những chiếc xe có khung sườn làm bằng carbon, toàn xe nặng 7kg nhưng giá tới 200 triệu đồng.
Trong giới chuyên chơi xe đạp ai cũng nể phục ông H. về bộ sưu tập xe chừng 10 chiếc nhập khẩu toàn hàng xịn, trong đó ông là người châu Á duy nhất sở hữu chiếc Colnago (Ý) chỉ sản xuất có 59 chiếc cho toàn thế giới! Gặp ông H. ở Lê Hoàng probike, chúng tôi không nghĩ ông đã gần 60 tuổi, chơi xe đạp 6-7 năm nay, ngày nào cũng đạp chừng 20-30km từ 4g sáng, sau đó đến gặp gỡ bạn bè tại quán cà phê ở đường Sông Đà.
Ông Bùi Đức Hùng, chủ cửa hàng Lê Hoàng probike, cho biết nhiều người chơi xe đạp rất “đỉnh”: khung sườn làm bằng sợi carbon, có loại sườn có đàn hồi (để giảm nhịp đạp), bạc đạn làm bằng gốm chịu nhiệt thay bi thép, cặp bánh cả vỏ, căm, ruột chỉ nặng từ 1,1-1,8kg... Những dòng xe “đỉnh” này tập trung ở TP.HCM và đặt hàng cả 18 tháng mới có. Mỗi năm Lê Hoàng probike cũng chỉ nhập chừng 20 chiếc loại này. Chơi xe đạp phải có “máu” vì đi kèm với xe, dân chơi thường sắm các phụ kiện như đồng hồ tốc độ, bình nước, găng tay, quần áo, mũ bảo hiểm... với tổng chi phí lên đến hàng chục triệu đồng.
Dân chơi xe đạp lâu năm rất “cưng” xe. “Minh đen” kể những chặng đi xa khi vào khách sạn, nếu không cho mang xe lên phòng nghỉ thì đoàn tìm khách sạn khác. Xe xịn, lại được cưng nên việc bảo dưỡng khó khăn hơn nhiều.
Thay vỏ ruột phải là hàng chuyên dụng, nhập khẩu trực tiếp và ít có trên thị trường. Niền nhôm cao cấp nếu dùng dụng cụ nạy vỏ không đúng cách có thể làm cong vênh buộc phải thay với giá vài triệu đồng/cặp. Những loại xe đạp cao cấp sử dụng thắng đĩa thì phải có quy trình kiểm tra, châm dầu định kỳ. Các cửa hàng kinh doanh xe đạp đắt tiền còn kiêm dịch vụ bảo dưỡng định kỳ như: rút căm, vô dầu mỡ, hệ thống đĩa, sên, đề...
Nhiều ông mua xe quá đắt không dám nói thật với vợ vì cũng ít bà tin mức giá này. Hùng, chủ cửa hàng Lê Hoàng probike, kể có ông khách hàng ở miền Tây lên Sài Gòn tậu xe về nhà chỉ dám nói mười mấy triệu đồng đã bị bà vợ mắng té tát.
Nhà là cửa hàng bán tạp hóa, một hôm ông đi giao hàng thì ở nhà có khách nhìn thấy xe liền ra giá 30 triệu đồng và muốn mua ngay. Bà vợ nghĩ rằng chẳng những gỡ gạc mà còn lời nên quyết bán. Về nhà biết chuyện, ông chồng đòi đi chuộc nhưng làm sao biết người mua ở đâu. Cuối cùng ông mới tiết lộ chiếc xe nhập khẩu từ Ý có giá hơn 4.000 USD.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét